Thói quen tiêu dùng sẽ thay đổi vì “Cô Vy”

VHO- Từ khi bùng phát dịch Covid-19 đến nay, các cơ quan chức năng đã khuyến cáo người dân nên hạn chế đến những nơi đông người khiến nếp sinh hoạt của nhiều gia đình đã thay đổi để thích nghi. Cùng với đó, thói quen tiêu dùng sinh hoạt, buôn bán cũng thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh.

Thói quen tiêu dùng sẽ thay đổi vì “Cô Vy” - Anh 1

 

 Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, gia đình chị Nguyễn Thu Hòa (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng đã quen dần với những sự thay đổi để thích nghi với cuộc sống trong thời dịch. Không còn những buổi tụ tập la cà quán xá, anh Long, chồng chị Hòa được vợ mua bia cho nhậu buổi tối, cà phê tự pha buổi sáng cùng với xôi, mì tôm, cơm rang… tại nhà. Với chị Hòa, cách đi chợ cũng thay đổi, trừ những thứ phải mua đột xuất hoặc không có người giao hàng chị mới ra chợ, còn từ thịt đến rau củ quả, chị lấy số điện thoại của tiểu thương và gọi mang đến tận nơi.

Cũng tương tự như gia đình chị Hòa, chị Nguyễn Thảo Trang (Thanh Xuân, Hà Nội) sống trong chung cư cũng chỉ đi “chợ” trong khu vực mình sống. Gọi là “chợ” vì từ rau, gạo, thịt, đồ tạp hóa… đều có người trong nội khu cung cấp. Chị Trang có thể gọi điện thoại, hoặc đặt hàng trên “chợ” Facebook của chung cư nơi chị ở mà không phải ra siêu thị hay đi chợ truyền thống .

Cùng với đó, nhiều cửa hàng, quán ăn tại Hà Nội cũng thông báo đóng cửa, tạm dừng kinh doanh. Cửa hàng nào không đủ sức cầm cự thì rao bán, sang nhượng lại do lượng khách giảm sút mạnh. Cửa hàng nào nhanh nhạy thì chuyển hướng sang kinh doanh online. Thời dịch bệnh, mọi người hạn chế ra đường và đến những nơi đông người thì thương mại điện tử, mua sắm online trở thành lựa chọn tối ưu. Một chủ shop hải sản tại Linh Đàm (Hoàng Mai) cho biết, khách đến mua trực tiếp giảm đến 90%, nhưng lượng khách mua online lại tăng mạnh. Trong khi đó, chị Hà Thị Mai, một chủ quán bán đồ ăn vặt tại Thanh Xuân cho biết phải huy động hết công suất của người thân, họ hàng để phục vụ các đơn hàng online tăng vọt gấp ba ngày thường. Nhiều trường đại học cho sinh viên nghỉ, những người lao động ngoại tỉnh cũng về quê tránh dịch nên lực lượng xe ôm, shipper thiếu hụt, do đó người nhà của chị phải chạy đi ship hàng khắp nơi. “Dịch bệnh, tưởng chừng kinh doanh bết bát, nhưng không ngờ nhu cầu mua hàng online lại tăng cao đến vậy”, chị Mai cho biết thêm.

Hiện nhiều siêu thị cũng tăng cường bán hàng trực tuyến. Đặc biệt, dù đã đóng cửa trang thương mại điện tử Lotte.vn nhưng hệ thống này vẫn bán hàng online qua ứng dụng Speed L. Theo đại diện Lotte Mart, ứng dụng này sẽ thay đổi thói quen của khách hàng, để họ quen dần với việc mua sắm qua mạng trước khi bước chân ra chợ hoặc siêu thị. Còn siêu thị Big C cũng đẩy mạnh mảng bán hàng online nhằm phục vụ khách hàng thuận lợi hơn trong thời gian diễn ra dịch bệnh.

Việc người tiêu dùng đẩy mạnh mua hàng qua giao dịch điện tử là cơ hội cho thương mại số có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Chính vì thế, mới đây, Bộ Công thương cho biết Cục Thương mại điện tử và kỹ thuật số đã có công văn yêu cầu các sàn thương mại điện tử hỗ trợ ưu tiên hiển thị các sản phẩm phòng dịch Sars-CoV- 2 và nhu yếu phẩm để người dân dễ tiếp cận, mua sắm. Đồng thời, các sàn thương mại điện tử được yêu cầu thường xuyên kiểm tra, rà soát việc niêm yết giá nhằm ngăn chặn, loại bỏ các sản phẩm kém chất lượng, gian hàng có các hành vi gian lận như nâng giá bán, nâng giá vận chuyển. Thông báo công khai để người bán, người mua được biết về các biện pháp xử lý và chế tài cụ thể đối với các hành vi vi phạm.

Theo đó, các sàn thương mại điện tử như Sendo.vn, Shopee.vn, Chotot.com, Lazada.vn, Tiki.vn... đã rà soát và thông báo tới người bán về việc không lợi dụng dịch bệnh để tăng giá các sản phẩm hàng hóa phục vụ phòng dịch gây mất ổn định thị trường. Tính đến ngày 16.3, các sàn đã xử lý tổng cộng khoảng 11.450 gian hàng và khoảng 26.400 sản phẩm vi phạm. Được biết, các sản phẩm bị gỡ bỏ chủ yếu là khẩu trang vải, khẩu trang y tế, nước rửa tay khô, nước sát khuẩn... Theo Bộ Công thương, từ thời điểm dịch bệnh xuất hiện và kéo dài, hoạt động mua bán hàng hóa trên mạng, các sàn giao dịch điện tử tăng nhanh, thói quen mua bán trao đổi trực tiếp giảm. Tuy nhiên, lợi dụng tình hình dịch bệnh, nhiều đại lý, chủ shop đã đẩy giá bán khẩu trang, thiết bị y tế phòng chống dịch Sars- CoV- 2 lên quá mức quy định, gây bất ổn thị trường hoặc bán hàng giả, hàng nhái, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. 

Q.XƯƠNG

Ý kiến bạn đọc